Mục-kiền-liên hay gọi tắt là Mục-liên (tên latinh hóa: Maudgalyayana, Mahamaudgalyayana hay Mahāmoggallāna; tiếng Pali: Moggallāna; Tạng ngữ: མོའུ་འགལ་གྱི་བུ་) là một trong những đồ đệ thân tín nhất của Thích-ca Mâu-ni. Ông nổi tiếng về sự hiếu thảo với mẹ.
Mục Kiền Liên chào đời tại một ngôi làng nhỏ gần kinh đô Patna của vương quốc Magadha, nay thuộc tiểu bang Bihar, Ấn Ðộ. Thuộc giòng dõi Mudgala, tức là "Thiên văn gia.” Theo ngữ căn thì danh từ Moggalàna phát nguồn từ chữ Mudgala (một giòng dõi chuyên nghiên cứu Thiên Văn học rất cổ).
Là công tử từ một giai cấp "Cao quý" và thuộc giòng dõi mỗi người tôn kính, phụ thân của ngài chẳng khác nào một Tiểu vương. Lớn lên trong một khung cảnh sang trọng không thiếu thốn bất cứ món gì. Được giáo dục theo truyền thống Bà la môn giáo. Một lần ngài cùng người bạn tên Upatissa đi dự hội "Hội Sơn Thần" (trước tế lễ thần núi, sau để dân chúng có một dịp liên hoan vui thú). Sau ngày vui đó tâm tưởng luôn nghĩ về Tử Biệt Sinh Ly giữa cuộc đời và cứu rỗi, hai người quyết đi tìm đường Giải thoát. Từ đó họ quyết định sống một cuộc sống đời làm Đạo sĩ, thoát ly gia đình, thoát bỏ sợi dây giai cấp của Bà la môn.
Ngài cùng bạn Ngài là Xá-lợi-phất đã gặp nhiều vị Giáo chủ, biết nhiều triết học khác nhau. Một số chủ trương hẳn thuyết Vô Ðạo Ðức (đạo đức là sự vô ích) một số khác đề cao thuyết Ðịnh Mệnh, và một số khác truyền bá tư tưởng Duy vật. Họ nhận thấy sự sai lầm của những giáo thuyết như thế, nên chẳng bao lâu đã không màng để tâm nghiên cứu nữa. Khi ấy cả Mục Kiền Liên và Xá-lợi-phất đã khoảng bốn mươi tuổi, và nhằm lúc Đức Phật vừa cho phép đoàn đệ tử đầu tiên đi truyền bá chân lý. Ðoàn sứ giả ấy, gồm sáu mươi vị, tất cả là những Thánh nhân. Mục đích đoàn Thánh Tăng này là đi ban bố giáo lý an lành và tiến hóa trong nhân loại.Còn đức phật, Ngài đích thân đến thành Vương Xá (Ràjagaha) để tiếp độ vị vua nước Magadha tên là Bimbisara và nhận lãnh ngôi tịnh xá Veluvana Vihàra do vua dâng cúng. Phật đang có mặt tại ngôi chùa này thì Mục Kiền Liên và Xá-lợi-phất vừa quay về thành Vương Xá, tạm thời ngụ trong viện của Đạo sĩ Sànjaya. Một hôm Xá-lợi-phất đã ra đường phố, còn Mục Kiền Liên ở nhà. Chợt chàng thấy người bạn thân trở về với vẻ mặt vô cùng hớn hở mà từ xưa đến giờ chưa bao giờ nhìn thấy. Phong độ của Upatiss lúc ấy hoàn toàn khác hẳn : trang nghiêm và rạng rỡ! Kolita lập tức hỏi:- Này bạn! Vẻ mặt bạn thật thỏa mãn, dung nghi bạn rất trong sáng, phải chăng bạn đã tìm ra con đường Giải thoát?
Xá-lợi-phất trả lời:
Ðúng như thế, thưa bạn! Pháp giải thoát khỏi sự chết đã được khám phá.
Rồi Xá-lợi-phất thuật lại rằng: Trên con đường phố chàng gặp một vị Sa Môn phong cách rất tự tại. Vị Sa Môn này đã làm cho ông phát sinh lòng kinh cảm, rồi ông không ngần ngại hỏi vị Sa Môn xem Tôn sư Ngài là ai. Sa môn ấy chính là Trưởng lão Assaji một trong những vị đệ tử đầu tiên của đức Phật và cũng là một trong sáu mươi vị A La Hán. Trưởng lão Assaji còn xác nhận rằng Ngài chỉ là một đệ tử của vị Ðại sĩ thuộc giòng họ Thích Ca.
Khi Xá-lợi-phất yêu cầu Sa Môn Assaji ban bố giáo lý thì Ngài nói rằng không thể thuyết pháp được nhiều, vì Ngài mới thọ Cụ Túc giới mấy tháng. Và Ngài chỉ tiết lộ Ngài vừa học được bốn sự thật sâu sa (Tứ diệu đế) mà ngoài bậc Giác Ngộ ra, phàm nhân không thể nào quán triệt.
Nhưng Xá-lợi-phất liền cầu khẩn Ngài chỉ dạy cho, dù một phần tinh yếu cũng đủ cho mình phăng ra mối đạo.
Trưởng lão Assaji nghiêm trang nhắc lại một kệ ngôn của đức Phật rằng:
"Ye Dhammà Hetupabhàvà, Tesam Hetum Tathàgatàha, Tesam Yo Nirodho Evam Vàdi Mahàsamano-ti"
Dịch :
"Pháp nào có nhân ấy, Bậc Giác Ngộ đã thấy rõ nhân, Ngài cũng tìm ra con đường diệt quả. Ðây là giáo lý của các bậc đại Sa môn"
Kệ môn này sau khi được đức Phật thốt ra đã trở thành câu nói gói trọn giáo lý giải thoát, và trở thành Triết học căn bản của đạo Phật xuyên qua nhiều thế kỷ.
Xá-lợi-phất nghe được kệ ngôn ấy liền đắc Pháp nhãn (Dhamma Cakkhu) trong tâm thức chứng quả Nhập Lưu, Tu Ðà Hườn (Sotàpatti). Rồi khi chàng thuật lại cho Kolita nghe, người ấy cũng chứng quả tương tự. Nghĩa là cả hai cũng giác ngộ rằng "Bất cứ cái gì sinh ra đều phải tan biến". Sự thấy rõ chân lý do bài kệ này soi sáng, quả thật là một biến cố kỳ diệu. Ðối với chúng ta ngày nay, bốn câu kệ ngôn trên đây không thể đả thông hết tâm thức si mê, nên chúng ta nghe mà cũng chưa trực nhận được ý nghĩa nào. Chiều sâu và chiều rộng của câu Phật Ngôn ấy, chỉ có thể biểu hiện đối với những ai đã từng nhiều kiếp tu tập hạnh từ bỏ những dục lạc tạm bợ ở đời, và hằng rèn luyện trí tuệ để thấy rõ lý vô thường (luôn luôn chi phối bởi nhân duyên điều kiện) và chứng thực đạo bất sinh từ.
Mục Kiền Liên nhập diệt nửa tháng sau Xá-lợi-phất. Nghĩa là vào ngày mồng 1 sau tháng Kattika theo lịch cổ Ấn Độ (khoảng giữa tháng 10 Dương lịch). Lúc ấy nhằm mùa thu, lá vàng rơi đầy tiễn đưa Ngài giã từ "biển khổ".
Lúc ấy Nàthaputta, Giáo chủ đạo Jaina mà trong kinh điển Pàli gọi là Niganthasàsana (Ni kiền giáo) cũng vừa qua đời.
Có sự tranh luận, xét lại giáo lý của Nàthaputta bỗng xuất hiện trong hàng ngũ những đạo sĩ tu theo tôn giáo này. Kết quả đạo Jaina đã bị mất một số tín đồ và cảm tình viên khá đông, khiến cho các đạo sĩ cầm đầu đâm ra tức giận.
Nhiều sư trưởng đạo Jaina còn nghe đồn rằng: Ðại đức Mục Kiền Liên, sau những chuyến Thiên du (lên trời thuyết pháp rồi trở về) đã tiết lộ rằng: Hầu hết tín đồ Phật giáo đều được sanh lên cõi trên, nhưng rất hiếm những kẻ tu theo đạo khác được hưởng hạnh phúc ấy. Trái lại, họ còn bị đoạ vào cảnh khổ và tái sinh thành nhiều sinh vật thấp hơn loài người. Ðây có lẽ là tin đồn thất thiệt, nhưng là một trong những lý do khiến cho các đạo khác, kể cả đạo Jaina bị sút giảm hậu thuẫn. Ðặc biệt, một chi giáo cuồng tín của đạo Jaina ở vương quốc Magadha đã trở nên giận dữ trước sự mất danh tiếng càng lúc càng trầm trọng ấy, nên họ chủ tâm tiêu diệt Ðại đức Mục Kiền Liên.
Những đạo sĩ cuồng tín đạo Jaina ấy không chịu điều tra rõ nguyên nhân suy đồi của tôn giáo mình. Họ chỉ biết âm mưu phỉ báng và trút hết lên đầu Ðại đức Mục Kiền Liên. Nhiều lần họ mưu tâm ám sát vị Thánh Tăng ấy nữa nhưng đều thất bại. Về sau, họ phải mướn bọn cướp làm việc đó.
Thuở bấy giờ cũng có bọn chuyên đâm thuê chém mướn, sẵn sàng sát nhân, nếu được trả nhiều tiền như ngày nay. Họ là những kẻ vô cùng tham lam và hung bạo. Ðối với họ chỉ có tiền là "cao quí" nhất, nên họ bất chấp việc giết người nào, dù cho nạn nhân là một vị Thánh Tăng! Do đó, một số đạo sĩ cuồng tín đạo Jaina liền tìm mướn họ đi giết Ðại đức Mục Kiền Liên.
Khi ấy, Mục Kiền Liên đang ẩn tu một mình trong tịnh cốc vắng, ven rừng Kàlasikà, thuộc vương quốc Magadha. Mục Kiền Liên biết rằng "đoạn chót của đời mình" sắp đến. Một vị Thánh Tăng khi đã được hưởng "hương vị" giải thoát hằng thấy rằng "xác thân phàm tục này chỉ là một chướng ngại hay một gánh nặng mà thôi!"
Do đó, Mục Kiền Liên đã không một chút mảy may nghĩ đến việc dùng thần thông để được sống trường thọ. Ngược lại, khi Mục Kiền Liên thấy bọn cướp giết mướn lại gần, Ngài chỉ nghĩ "Ta không nỡ để cho các kẻ ấy phạm trọng tội!". Thế là toàn thân Ngài tự nhiên biến mất (do thần thông của một đại A La Hán đầy lòng từ bi phát tác, chứ không phải do sự sợ sệt hay lòng tham sống mà ra).
Bọn sát nhân (có sách gọi là bọn cướp) xông vào tịnh cốc, không tìm thấy một ai, chúng lục lạo khắp nơi, nhưng vẫn vô hiệu, bèn thất vọng ra về. Ngày hôm sau, chúng trở lại, và cũng rơi vào tình trạng như cũ. Nghĩa là từ xa chúng thấy Ðại đức Mahà Moggallàna thấp thoáng, nhưng khi đến gần, chẳng tìm ra Ðại đức đâu cả, mặc dù càng lúc chúng càng kéo đồng bọn đông hơn và lục soát kỹ hơn. Chúng cũng khôn ngoan cho bộ hạ mai phục, rình rập xung quanh tịnh cốc để phát giác sự xuất hiện của Ðại đức Mục Kiền Liên, rồi vẫn không có kết quả. Sáu ngày liên tiếp như thế, sáu lần bọn cướp xông vào hãm hại Mục Kiền Liên, và sáu lần Mục Kiền Liên vì lòng từ bi, chỉ một niệm "không muốn kẻ ngu muội phạm trọng tội" thân thể Ngài đã biến mất một cách như nhau.
Ðộng lực của thần thông vốn không phải là để bảo vệ xác thân ô trược này, mà để cứu độ những tâm hồn hung bạo. Nhưng tiếc thay thần thông ấy của một vị Ðại Tôn túc A La Hán đã không cảnh tỉnh được bọn người tội lỗi, nên qua ngày thứ bảy, Ðại đức Mục Kiền Liên đã quán xét bằng Tha tâm thông, thấy rằng "bọn cướp vì tham tiền quá độ sẽ không bao giờ từ bỏ hành động sát nhân ấy".
Trong khi Ðại đức Mục Kiền Liên sử dụng Tha tâm thông như thế, thì "Di Thần" Thần Công của Ngài tự nhiên biến mất, xác thịt Ngài bất thần hiện lại như cũ, ngồi yên trong tịnh cốc.
Thì ra ác quả một hành động tội lỗi xa xưa (khi tiền kiếp nọ, Mục Kiền Liên vì sợ vợ, đã nhu nhược đem cha mẹ bỏ vào rừng hoang, đói khát cho đến chết) nay ác quả đang đuổi kịp. Ðại đức Mahà Mục Kiền Liên phải trả xong ác quả ấy thì công hạnh mới hoàn toàn! Giống như đức Phật và Xá-lợi-phất, trước khi nhập Niết Bàn đã trải qua một cơn bệnh vậy!
Ngày lễ Vu Lan (Rằm tháng bảy)
Ngài tu luyện thành công nhiều phép thần thông qua đó biết mẹ mình đang lâm kiếp ngạ quỷ; ngài hỏi Phật tổ về cách cứu mẹ.
Phật dạy rằng:
“Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để vận động chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó”.
Theo lời Phật, mẹ ngài được giải thoát. Phật cũng dạy rằng chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp). Từ đó ngày lễ Vu Lan ra đời.
Nguồn: http://vi.wikipedia.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét