Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2012

Tổ Khương Tăng Hội (Sơ Tổ của Thiền Tông Việt Nam)



Nếu như Yên Tử là cái nôi của Thiền phái Trúc Lâm do Sơ Tổ Trúc Lâm Đại Đầu Đà (Phật Hoàng Trần Nhân Tông) khai sáng, thì Tây Thiên là cái nôi của Phật Giáo Việt Nam thời Hùng Vương. Qua sử liệu, Khương Tăng Hội là người dạy tu Thiền theo Kinh "An Ban Thủ Ý", có công hoằng dương Phật Pháp tại trung tâm Luy Lâu (Thuần Thành, Bắc Ninh), sau đó Ngài sang Kiến Nghiệp (Nam Kinh - Trung Quốc) xây dựng Chùa Kiến Sơ. Ngài là Sơ Tổ của Thiền Tông Việt Nam.

Để tưởng niệm công hạnh của Ngài đối với Thiền Tông Việt Nam, Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên tổ chức lễ giỗ Tổ Khương Tăng Hội. Sau đây, chúng ta cùng nhau ôn lại thân thế và sự nghiệp của Ngài để thấy rõ hơn công lao của Ngài đối với dòng Thiền Việt Nam...

Theo Cao Tăng Truyện - Khương Tăng Hội, tổ tiên người Khương Cư (Sogdiane, Bắc Ấn), mấy đời ở Thiên Trúc, cha nhân buôn bán dời đến Giao Chỉ. Năm lên 10 tuổi, song thân đều mất, sau khi chịu tang xong, Ngài xuất gia, siêng năng hết mực..."

Sử liệu đã ghi: "Tổ là con người rộng rãi, có tầm hiểu biết, dốc chí hiếu học, rõ hiểu ba tạng, xem khắp sáu Kinh, thiên văn đồ vĩ, phần lớn biết hết, giỏi việc ăn nói, lanh việc viết văn...". Qua đó chúng ta biết được tư chất, tánh tình của Tổ, là người chân thật, hòa nhã, rất thông minh, siêng năng tu học, trí tuệ vượt hơn người, thông suốt ba tạng Kinh Phật, Nho giáo, Lão giáo, cho đến cả Thiên văn địa lý, tướng số, văn chương và chính trị. Ngài giỏi cả chữ Phạn và chữ Hán nên dịch nhiều tác phẩm từ chữ Phạn sang chữ Việt và chữ Hán. Tổ khéo tán tụng, có tài thuyết pháp nên có nhiều người đến cầu pháp, quy y, thọ giáo.

Vào cuối đời nhà Hán thời Tam Quốc (190 - 260), Trung Quốc xảy ra chiến tranh và loạn lạc, nhiều Tăng sĩ, thiện trí thức phải rời bỏ Kinh đô Lạc Dương đến Giao châu tị nạn, trong đó có đệ tử cư sĩ của Pháp sư An Thế Cao ( người nước An Tức, thuộc Bắc Ấn Độ) là Trần Tuệ, Hàn Lâm. Tổ mời hai vị này cùng tham gia dịch thuật, chú giải Kinh điển tại Trung tâm  Luy Lâu ( Chùa Dâu, Bắc Ninh ngày nay). Do đó có thể nói Tổ đã góp phần xây dựng cơ sở nền móng hoạt động để Trung tâm Phật giáo thứ II ở vùng đồng bằng Bắc Bộ phát triển từ thế kỷ thứ 2 đến thế kỷ thứ 11. Vào thế kỷ thứ 9, khi thiền sư Hiện Quang lên núi Yên Tử tu hành tiếp theo là các Thiền sư Đạo Viên, Đại Đăng sau này trở thành Quốc sư, thì trung tâm Phật giáo thứ III ở Yên Tử bắt đầu hình thành cho đến khi vua Trần Nhân Tông lên núi tu hành ngộ đạo, khai sáng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, thì Trung tâm này trở nên cực thịnh...

Sau một thời gian hoằng pháp tại Giao châu, Tổ thấy ở Trung Quốc, xứ Giang Đông của Vua Tôn Quyền Phật Pháp chưa được phổ biến. Năm 247, Tổ sang Kinh đô Kiến Nghiệp ( tức Nam Kinh ngày nay) để hoằng dương Chánh pháp Phật Đà. Lúc đầu Ngô Tôn Quyền không tin Phật Giáo, Tổ mở đàn tràng cầu nguyện xá lợi. Sau 3 tuần cầu nguyện, vào đêm cuối thì xuất hiện xá lợi Phật, lửa đốt không cháy, búa đập không bể, Vua mới tin, tôn kính Tổ, xây chùa Kiến Sơ thỉnh Tổ trụ trì hoằng hóa. Xóm làng quanh Chùa Kiến Sơ hướng về Tổ tu hành, nên có tên là "xóm Phật Đà".

Khi Tôn Hạo con của Tôn Quyền lên ngôi, Đạo Phật bị đàn áp, bởi sự xuyên tạc của một số cố vấn, cho Đạo Phật là tà Đạo từ ngước ngoài đem tới. Các quan trong triều có người khuyên can oai lực của chư Phật không giống như thần thánh, điềm lành cảm ứng của Ngài Khương Tăng Hội khiến cho Tiên vương cho xây chùa dựng Tháp. Nay nếu khinh khi hủy hoại, sợ sau này ăn năn không kịp. Vua bèn sai Trương Dục không thắng được về tâu lại với Tôn Hạo: " Người này rất sáng suốt, rất tài ba, thần không đủ sức đương đầu. Xin bệ hạ xem xét và định liệu". Sau đó Tôn Hạo cho người mời Tổ đến để vấn nạn, cuộc tranh luận này cuối cùng cũng không bắt bẻ được Tổ...Do tính bạo ngược ngang tàng nên Hạo làm nhiều điều bất kính, mang tội đối với Phật tổ nên mang bệnh. Khi đó có quan địa thần tâu bị "Thần" quở. Hạo cho mời Tổ đến thuyết pháp, độ cho khỏi bệnh...Từ đó Hạo tín tâm cho sửa sang chỗ ở của Tổ và ra lệnh trong cung tôn thất, quan thần không ai là không phụng thờ. Qua những sự việc trên đã cho chúng ta biết về công năng tu hành cúng như giới đức và trí tuệ của Tổ.

Năm 280 Tổ viên tịch đồ chúng xây tháp thờ, được vua ban thụy hiệu là "Siêu Hóa Thiền sư".

Theo Phí Trường Phòng viết trong Lịch Đại Tam Bảo ký và sử liệu cho biết:
Những tác phẩm Tổ đã chú giải gồm các Kinh: Kinh Tiểu phẩm Bát Nhã, Kinh Duy Ma Cật; Kinh Đại Bát Niết Bàn, Kinh A Di Đà, Kinh Đại An Ban Thủ Ý, Kinh Ấm Trì Nhập.

Dịch phẩm gồm có: 
Ngô Phẩm Đạo hành Bát Nhã (5 quyển), Kinh Tạp Thí dụ (2 quyển), Kinh Lục độ yếu Mục Nê Hoàn Phạm Bối, Lục độ tập Kinh (9 quyển); Pháp Cảnh Kinh, Đạo Thụ Kinh.

Hoà Thượng Nhất Hạnh đã nhận định "Tư tưởng Thiền của thầy Tăng Hội là tư tưởng Thiền Đại Thừa, đi tiên phong cho cả tư tưởng Hoa Nghiêm và Duy Thức. Tuy nhiên, thiền pháp của thiền sư Tăng Hội rất mực thực tiễn, không hề để thiền giả bay bổng trong vòm trời lý thuyết..." Qua bài kệ của Tôn Xước, một sỹ phu thời Đông Ngô để tặng trên tranh tượng của Tổ đã cho chúng ta thấy cuộc sống và nhân cách vĩ đại của Tổ.

Nguồn: http://taythienphat.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét